Khám phá Chùa Ngọc Hoàng – ngôi chùa “cầu gì được nấy” có 1-0-2

Bạn là một du khách đang tìm kiếm những điểm tham quan linh thiêng và độc đáo ở Sài Gòn? Hãy đến với Chùa Ngọc Hoàng! Nằm ngay trong Quận 1 – Sài Gòn, chùa Ngọc Hoàng chính là một điểm tham quan linh thiêng không thể bỏ qua. Không chỉ khoác lên mình kiến trúc độc đáo, nơi đây còn được mệnh danh là ngôi chùa “cầu gì được nấy”, có “1 – 0 – 2”. Hãy cùng khám phá những điều đặc biệt tại ngôi chùa này nhé!

1. Giới thiệu về chùa Ngọc Hoàng

Ngoài cái tên chùa Ngọc Hoàng, người dân Sài Gòn còn gọi ngôi chùa này với cái tên khác đó là chùa Phước Hải. Đây là một trong những ngôi chùa nổi tiếng, linh thiêng nhất ở Thành phố Hồ Chí Minh. Nằm tại số 73, đường Mai Thị Lựu, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh.

Không chỉ riêng trong những ngày lễ hội tháng Giêng âm lịch, ngày rằm, mùng một, rằm tháng Giêng, rằm tháng bảy, rằm tháng 10,… nơi đây mới đông đảo người dân đến viếng thôi đâu. Cho dù bạn đến đây vào những ngày thường, bất kể ngày nào trong tuần, bạn sẽ bắt gặp nhiều người. Từ những người đến để cầu bình an, may mắn, cho đến những người đến để cầu duyên. Ngay cả những người hiếm muộn, cũng đến đây để cầu con cái.

Nhưng đông nhất, phải kể đến thời gian sau khi Tổng thống Mỹ Obama thăm chùa Ngọc Hoàng vào ngày 24/5/2016. Khi đó, người dân trên khắp cả nước biết đến chùa nhiều hơn, họ lại càng muốn đến tham quan hơn. Đến để xem vì sao vị Tổng thống người Mỹ này lại chọn ngôi chùa này làm điểm ghé thăm đầu tiên tại Việt Nam.

2. Lịch sử chùa Ngọc Hoàng ở Sài Gòn

Được xây dựng vào khoảng đầu thế kỷ 20, bởi một người tên là Lưu Minh gốc Quảng Đông – Trung Quốc. Nên chùa Ngọc Hoàng ở Sài Gòn mang đậm kiến trúc Trung Hoa. Khi mới xây dựng, ngôi chùa này có tên là Ngọc Hoàng Điện, để thờ Ngọc Hoàng Thượng Đế.

Theo nhiều tài liệu được ghi chép cho rằng: việc ra đời của ngôi chùa này chính là sự che đậy tai mắt bên ngoài. Theo đó, Lưu Minh vốn là người theo đạo Minh Sư, mà đạo Minh Sư là một tổ chức bị triều đình Mãn Thanh đàn áp. Một số thành phần trong tổ chức đã phải trốn ra nước ngoài, trong đó có Lưu Minh. Để lập kế hoạch lật đổ nhà Mãn Thanh, Lưu Minh đã xây dựng chùa, bên ngoài là để thờ phụng, nhưng thực chất bên trong là làm nơi hội kín.

Mãi tới năm 1982, ngôi chùa này được hòa thượng Thích Vĩnh Khương tiếp quản. Chính từ đó, chùa này trở thành một ngôi chùa của giáo hội Phật Giáo Việt Nam.

Sau 2 năm, tức là năm 1984, chùa Ngọc Hoàng đã đổi thành Phước Hải tự. Và kể từ đó, nơi đây đã trở thành một điểm cầu nguyện linh thiêng. Không chỉ là người dân thành phố, mà cả khách du lịch ở mọi phương trời đều đến để cầu mong.

3. Kiến trúc độc đáo của chùa Ngọc Hoàng

Chính vì chịu sự ảnh hưởng bởi người khởi xướng xây dựng là Lưu Minh, gốc Trung Quốc, nên ngôi chùa Ngọc Hoàng cũng từ đó mang vẻ đẹp độc đáo của lối kiến trúc Trung Hoa. Mặc dù đã có từ lâu đời, trải qua những thăng trầm của lịch sử, ngôi chùa được khoác lên mình một vẻ đẹp nhuốm màu thời gian.

3.1 Kiến trúc mái lợp ngói âm dương

Sở hữu diện tích rộng, nằm ngay trung tâm quận 1, chùa Ngọc Hoàng nổi bật với những tấm mái lợp ngói âm dương. Các góc mái được trang trí bằng tượng gốm màu, các linh vật được chạm khắc tỉ mỉ, tinh xảo.

Tổng thể ngôi chùa được làm từ chất liệu gạch đỏ, pha trộn thêm chút cổ kính. Nhìn lại càng bắt mắt. Trải qua nhiều lần tu sửa nhưng chùa Ngọc Hoàng vẫn giữ được lớp kiến trúc cổ xưa để lại.

Điều đặc biệt nhất khi đến đây, đó chính là cơ hội được chiêm ngưỡng những tác phẩm nghệ thuật vô cùng độc đáo. Hầu như được làm từ những chất liệu xa xưa như gốm, bồi, gỗ, có giá trị tương đối lớn. Trong đó, phải kể đến các bức tượng cổ được làm từ giấy bồi, xếp ngay ngắn trông không khác nào những cuộc họp mặt của các vị thần về dự buổi chầu cùng Ngọc Hoàng Thượng Đế.

3.2 Phối cảnh thờ tự của chùa Ngọc Hoàng

Nhìn từ bên ngoài, chùa Ngọc Hoàng không có gì quá ấn tượng, cũng không gì quá nổi bật. Ngôi chùa lại có phần khiêm tốn, nằm trên con đường nhỏ, xe cộ lưu thông xung quanh. Nhưng chỉ cần bước qua cánh cổng, bạn sẽ phải ngỡ ngàng với bao nhiêu điều ở bên trong.

Đi từ ngoài vào, bạn sẽ gặp cổng tam quan, nơi gắn hai con rồng uốn lượn thể hiện sức mạnh của mình. Đi vào khuôn viên rộng lớn, có một ngôi miếu nhỏ thờ thần Hộ Pháp, bể cá và bể rùa.

Phía bên trong chùa Ngọc Hoàng gồm 3 tòa: Tiền điện, Trung điện và Chính điện.

  • Gian giữa: gồm Tiền điện, Trung điện và Chính điện. Tiền điện, thờ thần Thổ Địa và thần Môn Quan. Phần Trung điện được dùng để thờ Phật Dược Sư, Thanh Long Đại Tướng và Phục Hổ Đại Tướng. Và tượng Ngọc Hoàng Thượng Đế được thờ tại Chính điện. Nằm bên trái là Huyền Thiên Bắc Đế, bên phải là thờ Phật Chuẩn Đề.

  • Gian bên trái: gồm điện thứ nhất là nơi thờ nhị vị Song Án, tượng Mã Tướng Quân, cùng Thành Hoàng Lỗ Ban và Thái Tuế. Điện thứ hai chính là thờ Thập Điện Diêm Vương với 10 bức chạm gỗ tương ứng 10 cửa địa ngục. Điện thứ ba thờ Ông Tơ Bà Nguyệt, 12 bà mụ và 13 đức thầy.

  • Gian bên phải: là gian nhà nghỉ và điện thờ Phật Bà.

Nằm ngay sau chùa Ngọc Hoàng, bạn còn sẽ thấy thêm một ngôi miếu khác. Ngôi miếu này dùng để thờ Ông Đá. Ngoài ra, chùa cũng thờ rất nhiều các vị Phật, Bồ Tát khác,… Tổng cộng có thể lên tới 300 tượng thờ, được điêu khắc tinh xảo, chân thực.

Với việc thờ phụng nhiều vị thần, nên chùa Ngọc Hoàng ở Sài Gòn chắc chắn là điểm tham quan linh thiêng cho tất cả khách du lịch.

4. Chùa Ngọc Hoàng “cầu gì được nấy”

4.1 Cầu con cái được con cái

Không hiểu vì thật hay đồn đại, nhưng đã có nhiều trường hợp các cặp vợ chồng hiếm muộn mãi không có con. Sau nhiều lần đến chùa Ngọc Hoàng cầu con, thì họ cũng có con cái. Nghe có vẻ hơi ngoa một tí, nhưng sự thật là vậy. Bạn chỉ cần thành tâm một chút, biết cách cầu một chút.

Cách để cầu con:

  • Bạn sẽ làm lễ trước Kim Hoa thánh mẫu và 12 bà mụ bên trái Chính điện.

  • Sau khi khấn xong, nếu bạn cầu con trai thì treo vòng chỉ vào tượng bên phải, nếu cầu gái thì treo vào tượng bên trái.

  • Rồi xoa vào bụng mình 3 cái.

  • Xoa bụng bức tượng đứa trẻ dưới chân bà mụ 3 cái, rồi lại xoa bụng mình 3 cái nữa.

Ngoài ra, đến chùa Ngọc hoàng cầu con cái, bạn có thể phóng sinh cặp rùa có ghi tên tuổi của vợ chồng để tăng phần linh nghiệm.

4.2 Cầu tình duyên được tình duyên

Với những bạn đang thầm thương trộm nhớ một ai đó nhưng không dám ngỏ lời. Vậy thì đến với chùa Ngọc Hoàng cầu duyên ngay đi. Bởi nơi đây sẽ giúp bạn hoàn thành nguyện vọng của mình đấy nhé.

Khác với cầu con cái, bạn nào muốn cầu duyên thì đến tượng Ông Tơ Bà Nguyệt để cầu. Tượng thờ này nằm ngay cạnh điện thờ Thánh Mẫu và 12 bà mụ. Bạn chỉ cần thắp hương, sau đó khấn tên mình để Ông Tơ Bà Nguyệt biết mà se duyên.

4.3 Cầu bình an được bình an

Chùa Ngọc Hoàng là một điểm linh thiêng cho những người hiếm muộn muốn cầu con cái. Là điểm cho những người trẻ muốn cầu tình duyên. Bên cạnh đó, ngôi chùa này cũng trở thành điểm cầu bình an cho tất cả mọi người. Không chỉ cầu mong bình an cho bản thân, cho gia đình mà ngay cả những người mà bạn quen biết.

Để cầu sức khỏe, bình an, bạn có thể cầu tại điện thờ Phật Dược Sư. Để cầu mong sự may mắn, tài lộc và công danh, bạn nên cầu tại điện Thần Tài.

5. Kinh nghiệm đi tham quan chùa Ngọc Hoàng

5.1 Thời điểm thích hợp tham quan chùa Ngọc Hoàng

Có 2 thời điểm để bạn tham quan chùa Ngọc Hoàng.

Nếu bạn muốn cảm nhận không khí đông đúc, nhiều hoạt động thì bạn có thể đến đây vào những ngày lễ hội Vía Ngọc Hoàng (ngày mùng 9 Tết Nguyên Đán). Hoặc những ngày rằm trong các tháng. Vào những ngày này, nhiều gia đình đến đây để dâng hương giải hạn, cầu tài lộc, bình an và cầu duyên cho một năm mới. Hy vọng một năm đầy khởi sắc.

Còn nếu bạn muốn cảm nhận sự bình yên, trầm lắng khi đến chùa Ngọc Hoàng thì có thể đến đây vào những ngày thường. Vừa có thời gian vãn cảnh, không phải chen chúc. Lại có thể khẩn cầu nguyện trong không gian yên tĩnh. Có khi chính lúc này các vị thần mới có thể nghe rõ lời khấn từ bạn cũng nên.

5.2 Chùa Ngọc Hoàng mở cửa giờ nào?

Trong 2 năm gần đây, do dịch bệnh phức tạp, nên ngôi chùa vì thế cũng phải hạn chế có khi phải đóng cửa ngừng tiếp khách. Nhằm đảm bảo phòng tránh dịch. Nếu bạn đang thắc mắc liệu chùa Ngọc Hoàng mở cửa lại chưa? Thì bạn ơi, hãy đến đây ngay đi, vì chùa đã mở cửa trở lại rồi nhé.

Bình thường chùa mở cửa tất cả các ngày, kể cả thứ bảy và chủ nhật. Bắt đầu từ 7h30 đến 19h00. Nhưng vì cuối tuần, lượng người đến chùa đông hơn nên thời gian vào chùa sớm hơn 30 phút tạo điều kiện cho tất cả khách du lịch.

5.3 Cách di chuyển đến chùa Ngọc Hoàng

Chùa Ngọc Hoàng có vị trí ngay mặt đường Mai Thị Lựu, quận 1, Sài Gòn, nên không mất quá nhiều thời gian cho bạn di chuyển. Bạn có thể lựa chọn đi xe máy, xe bus, grab, hoặc ô tô cá nhân đều được.

  • Nếu đi xe bus thì có thể lựa chọn các tuyến 150, 18, 93. Có thể dừng ở các ga như Trần Hưng Đạo, Đinh Tiên Hoàng, Nguyễn Đình Chiểu, Đài Truyền Hình, Nhà Thờ Mạc Ti Nho, Đa Kao,…

  • Đối với các phương tiện cá nhân, xuất phát từ Bến Thành, bạn đi thẳng lên đường Trương Định, rẽ phải vào Nguyễn Thị Minh Khai. Rồi rẽ vào đường Phùng Khắc Khoan, tiếp theo nữa rẽ phải lên đường Điện Biên Phủ. Khi đến đường Nguyễn Văn Giãi thì rẽ vào vòng xuống đường Mai Thị Lựu là có thể tới thẳng chùa.

Hiện nay, ai cũng có điện thoại thông minh, nên để đến chùa Ngọc Hoàng rất dễ dàng, bạn có thể sử dụng maps ngay trên điện thoại và đi theo hướng dẫn.

6. Một số vấn đề cần lưu ý khi đến chùa Ngọc Hoàng

  • Trước khi đến chùa Ngọc Hoàng, hãy chú ý trong khi chọn trang phục để phù hợp. Tránh mặc những bộ đồ quá ngắn, hở quá nhiều gây phản cảm. Nên mặc những bộ kín đáo một chút. Đây là yêu cầu mà bạn đến thăm bất kể ngôi chùa nào.

  • Nếu ý định đến chùa để cầu khấn, dâng lễ, tốt nhất bạn nên chuẩn bị lễ ngay ở nhà. Tuy ở trước chùa có rất nhiều người bán hàng, sắp lễ nhưng bạn biết mà, bạn sẽ mất khá nhiều thời gian trong việc xếp hàng và chờ đợi.

  • Theo phong tục cổ thì sử dụng dầu ăn ở cổng để châm dầu vào đèn sẽ mang đến sự suôn sẻ trong mọi việc. Vì vậy, hãy mang theo một chai dầu ăn ngay nhé.

  • Sau khi thắp nhang, khấn vái, dâng lễ xong. Bạn có thể mang lộc về như đồ cúng, hoa, giấy đỏ,…

  • Mặc dù chùa có nhiều nơi khấn vái, nhiều vị thần nhưng bạn cũng chỉ được đốt một cây hương mà thôi.

  • Mỗi ngày chùa Ngọc Hoàng đón khá nhiều người đến thăm quan, cúng viếng nên việc có những thành phần hành khất, xin ăn, cũng không thể thiếu. Vì vậy, bạn cần phải bảo vệ, giữ gìn tư trang cẩn thận.

FEATURED TOPIC