Du học Phần Lan 2024: Bí mật về đất nước hạnh phúc và cơ hội việc làm

Từ một nền kinh tế nông lâm nghiệp, Phần Lan đã vươn lên trở thành một quốc gia phát triển công nghiệp, xếp vào nhóm các quốc gia có thu nhập bình quân đầu người cao nhất châu Âu. Trong khối OECD, Phần Lan có khoảng cách giàu – nghèo thấp nhất. Điều này cho thấy sự phát triển ấn tượng của quốc gia này.

Phần Lan nổi bật trong nhiều lĩnh vực, bao gồm xuất khẩu công nghệ cho điện thoại, hỗ trợ khởi nghiệp trong ngành CNTT, trò chơi giải trí, năng lượng sạch và công nghệ sinh học. Nokia từng là nhà sản xuất điện thoại di động lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 40% thị phần toàn cầu trong quý 2 năm 2008.

Theo ước tính của Quỹ tiền tệ quốc tế năm 2020, GDP bình quân đầu người của Phần Lan (49.334 USD) gấp 4,5 lần GDP của Việt Nam (10.755 USD). Nguyên nhân thách thức lâu dài đối với nền kinh tế Phần Lan là dân số già nhanh. Tuy nhiên, điều này lại tạo cơ hội cho sinh viên quốc tế muốn ở lại Phần Lan làm việc và sinh sống.

Ngôn ngữ

Tiếng Phần Lan và Thụy Điển là ngôn ngữ chính thức của Phần Lan (và tiếng Sami được một cộng đồng nhỏ sử dụng). Phần lớn người dân nước này cũng nói tiếng Anh tốt. Phần Lan xếp thứ 3 về trình độ thông thạo tiếng Anh trong số các quốc gia sử dụng tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai. Hệ thống giáo dục đại học Phần Lan cung cấp hơn 400 khóa học bằng tiếng Anh trong nhiều ngành.

Khí hậu

Mặc dù gần Bắc cực, nhưng nhờ có dòng hải lưu nóng, nhiệt độ trung bình của Phần Lan cao hơn so với các nước khác cùng vĩ tuyến. Trung bình, mùa hè có nhiệt độ từ 13 – 17°C, mùa đông từ -3 – -14°C. Mùa hè ấm áp, mùa đông dài và rất lạnh, đặc biệt là ở phía Bắc. Tuy nhiên, bạn không cần quá lo lắng về nhiệt độ vì các công trình trong nhà được trang bị hệ thống điều hòa tốt. Khi ra ngoài, bạn có thể sử dụng các loại trang phục phù hợp với thời tiết.

Ẩm thực

Phần Lan có thiên nhiên xinh đẹp và đa dạng với biển, sông, hồ, rừng, tạo nên nền ẩm thực phong phú. Ẩm thực ở đây cầu kỳ và chỉn chu từ nguyên liệu đến cách chế biến. Món ăn thường sử dụng ngũ cốc, quả mọng, sữa và các sản phẩm bơ sữa. Các món đặc trưng như súp cá hồi, xúc xích huyết lợn, bánh cá nướng, bắp cải cuốn, thịt tuần lộc, và thức uống glogi.

Để tiết kiệm chi phí và hợp khẩu vị hơn, sinh viên Việt Nam có thể tìm mua nguyên liệu để tự nấu ăn.

Giao thông

Phần Lan có hệ thống giao thông công cộng tiện lợi và đa dạng, bao gồm xe lửa, xe điện, tàu điện ngầm, xe buýt, phà và taxi. Sinh viên được giảm giá (lên đến 40%) khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Taxi ở nước này có giá khá cao.

Nếu bạn di chuyển ở khoảng cách gần, xe đạp là một lựa chọn tốt. Tại Phần Lan, hệ thống đường dành cho người đi xe đạp liên tục được mở rộng. Bạn hãy nhớ sử dụng mũ bảo hiểm, đèn pha và đèn phản quang, đặc biệt trong mùa đông. Bạn có thể tìm mua xe đạp cũ tại các cửa hàng bán xe đạp hoặc hỏi thăm bạn bè, gia sư tại trường đại học của bạn.

Để du lịch Phần Lan hoặc các quốc gia châu Âu lân cận, sinh viên có thể chọn máy bay, xe lửa hoặc xe khách đường dài.

Con người

Người Phần Lan có ý thức dân tộc cực kỳ cao và tinh thần đoàn kết. Họ sống hòa mình với thiên nhiên, có tính khiêm nhường, biết kiểm soát cảm xúc, và trân trọng cuộc sống thực tại cũng như giá trị tinh hoa của dân tộc và giá trị cá nhân.

Ngôi nhà là trung tâm của cuộc sống xã hội của người Phần Lan. Sinh viên quốc tế không cần lo ngại khi được mời đến nhà của người Phần Lan, vì bạn sẽ thấy được sự thân thiện, thoải mái và thân mật của chủ nhà. Khi đi thăm, bạn có thể mang theo một chai rượu hoặc bó hoa tặng chủ nhà.

Người Phần Lan làm việc rất đúng giờ và hiệu quả. “Sisu” – nghệ thuật sống của người Phần Lan kết hợp sự can đảm, sự kiên nhẫn và tinh thần bền bỉ, giúp họ vượt qua mọi khó khăn.

Dù có tới 200 ngày mùa đông trong năm và nhiệt độ có thể xuống đến -20°C, Phần Lan vẫn liên tục được xem là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới. Đối với họ, thay vì chờ đợi một ngày nắng đẹp, họ không ngại trời lạnh và vui vẻ đạp xe đi làm hay bơi giữa biển quanh năm, ngay cả khi nước đóng băng. Họ tìm thấy hạnh phúc trong những điều đơn giản như vậy.

Cơ hội việc làm

Làm việc giúp sinh viên phát triển tính độc lập hơn và kiếm thêm tiền để học cách quản lý tài chính. Tuy nhiên, bạn cần cân nhắc thời gian giữa công việc và học tập để không ảnh hưởng đến kết quả học tập tại trường.

Sinh viên được làm việc tối đa 30 giờ/tuần trong học kỳ. Có nhiều công việc bán thời gian phổ biến cho sinh viên, bao gồm phục vụ nhà hàng, dịch thuật, viết lách, dọn vệ sinh, làm vườn, hái nông sản… với mức lương khoảng từ 6 – 9 EUR/giờ trở lên. Tuy nhiên, cạnh tranh trong việc tìm công việc này có thể khá khốc liệt, đặc biệt là ở các thành phố nhỏ. Sinh viên học tốt có thể xin các vị trí trợ lý, dạy kèm, tham gia nghiên cứu trong các dự án của giảng viên, làm việc trong các văn phòng hành chính ở trường đại học hoặc thực tập với mức lương cao hơn.

Theo nghiên cứu của Bộ Kinh tế và Việc làm Phần Lan vào tháng 9/2020, nước này đang thiếu nguồn lao động có kỹ năng ở cấp quốc gia, đặc biệt là trong lĩnh vực y tế và dịch vụ xã hội. Ngoài ra, còn nhu cầu cao về nhân sự trong các lĩnh vực như giáo dục, xây dựng, dịch vụ, lập trình viên, phát triển phần mềm, vận tải và thương mại.

Nhiều cơ hội việc làm không được quảng cáo rộng rãi, mà thông tin chỉ được truyền đi qua lời đồn hoặc thông qua mạng lưới liên kết. Do đó, việc xây dựng mạng lưới quan hệ rộng rãi là rất quan trọng trong sự nghiệp. Tìm kiếm thông tin từ các nhóm, trang web việc làm, liên hệ và hỏi thăm các người có liên quan sẽ giúp bạn tiếp cận nhiều cơ hội việc làm hơn. Bạn cũng nên học tiếng Phần Lan theo yêu cầu của công việc để nâng cao khả năng cạnh tranh với những ứng viên khác.

==>> Xem thêm: Đất nước Phần Lan: Quốc gia hạnh phúc và thiên đường giáo dục

FEATURED TOPIC