Thị Trường Giáo Dục và Sự Học Hỏi Không Ngừng

Ông bà ta thường nói “đi một ngày đàng, học một sàng khôn”. Mới đó mà mình đã rời Việt Nam yêu thương 3,5 năm rồi! Gần một ngàn ngày ở châu Úc là hàng ngàn bài học quý giá. Cuộc sống ở Úc đã dạy cho mình rất nhiều điều mà trước đó mình chưa nhận ra.

Những lợi thế không là gì ở nơi khác

Hồi ở Việt Nam, mình có rất nhiều lợi thế: hai ba ngoại ngữ, nhu cầu thông dịch tiếng Hàn cao… Nhưng khi sang New Zealand và Úc, mình mới nhận ra sự khinh suất đó là hạn chế rất lớn của mình. Vốn tiếng Hàn và kinh nghiệm làm việc chuyên môn cao không giúp ích gì cho mình khi ở Úc. Mình không đi học lái xe, không lấy bằng lái xe vì thuê xe và tài xế dễ dàng ở Việt Nam. Sang Úc, phương tiện công cộng bất tiện, không có xe giống như không có chân nên muốn đi đâu cũng khó tự chủ.

Về mặt công việc, khi sang Úc, mình muốn làm nhà hàng, café vì lương khá và dễ xin việc, lại có thể gia hạn visa năm 2. Nhưng vì chưa bao giờ làm nghề nhà hàng khách sạn, nên mình gặp khá nhiều trục trặc lúc xin việc. Mình gặp một chị bạn Hàn Quốc kể là khi xác định đi Úc, chị đã nghỉ việc ở ngân hàng và xin đi làm café Starbucks 6 tháng để khi sang Úc có thể xin việc dễ dàng. Còn mình thì sang tới Úc mới từ từ đi học barista, rồi xin vào làm café, làm bar… mà phải ra vùng xa xôi làm thì mới có việc.

Không đánh giá người khác khi chưa hiểu về họ

Vốn dĩ trong trường lớp và công việc, mình luôn được đánh giá cao và trọng dụng. Vì vậy mình cũng có nhiều tính chưa hay: tự cao, bị bệnh ngôi sao (dù hơi nhẹ thôi) và đánh giá những người mình gặp qua cái nhìn phiến diện của một người vốn gặp nhiều may mắn và chưa biết sự đời. Cuộc sống ở Úc đã dạy cho mình biết rằng mỗi người có một câu chuyện riêng, không có mẫu số chung cho tất cả mọi người.

Úc là miền đất của dân nhập cư, rất nhiều người có công việc lương cao, ổn định ở quê nhà nhưng vì quyết tâm du học, định cư Úc, họ đã can đảm từ bỏ vùng an toàn của mình để đến đây. Cái khó khăn nhất khi sống ở Úc là trở ngại về ngôn ngữ. Bạn có thể là một nhà bác học, kiến thức uyên thâm khi nói tiếng mẹ đẻ, nhưng khi nói tiếng nước ngoài thì bạn nghe ngây ngô như trẻ cấp 1. Nhiều người rất tài năng nhưng vì ngôn ngữ và quy định về visa, không thể tìm được công việc chuyên môn cho mình. Bản thân mình cũng gặp những trở ngại tương tự. Khi ở Việt Nam, mình cũng có lợi thế của dân sinh ra ở Sài Gòn nên không hiểu hết được những cái khó khăn, trở ngại và cũng là những động lực để người tứ xứ tới Sài Gòn lập nghiệp và còn thành công hơn người Sài Gòn.

Xã hội nào cũng bất công

Càng sống lâu ở Úc, mình càng thương Việt Nam hơn. Hay nói rộng hơn, càng hiểu về cuộc sống của người Úc, mình càng thấy được những thiếu thốn, khó khăn và những bất lợi khi là công dân của nước đang phát triển/ kém phát triển. Từ lâu các nước Bắc Mĩ, Bắc Âu, Úc vốn là “miền đất hứa” mà rất nhiều người đã đổ biết bao nhiêu tiền bạc và thời gian vào với mong muốn một ngày được đổi màu hộ chiếu. Thế nhưng ngay cả trong nước Úc, dù chính sách hỗ trợ cho xã hội có tốt đến cách mấy, cũng tồn tại rất nhiều điều không thỏa đáng.

Mình kể ra những điều trên chỉ muốn nói 1 điều là: xã hội nào cũng bất công cả. Bạn không thể thay đổi những tác nhân bên ngoài, nhưng chỉ có thể thay đổi bản thân bạn, để thích ứng và tồn tại ở nơi mà bạn chọn. Dù sự lựa chọn sống ở Úc có thành công hay không, đừng cố gắng chối bỏ quê hương, gốc gác, đừng nhổ vào mâm cơm là của mình, của gia đình, dòng họ, bạn bè. Đã là người phải xa quê hương thì có mấy ai hạnh phúc trọn vẹn.

Cuộc đời là bài học dài. Học hết bài này, ta qua bài khác. Chúc cho các bạn đọc bài viết này có dịp sang trải nghiệm cuộc sống ở Úc, để thêm trân trọng những giá trị mình đang có. Và hơn hết là đi thật xa để trở về, chúng ta có thể làm nhiều điều tốt đẹp cho những người cần ta.

FEATURED TOPIC